Di tích thành nhà Hồ

Thành Nhà Hồ còn có tên gọi khác là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Giai, Thạch Thành…, nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh, Thị trấn Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Tư liệu lịch sử cho biết, thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, theo lệnh của Hồ Quý Ly. Năm 1398, Hồ Quý Ly cho di chuyển kinh đô từ thành Thăng Long (Hà Nội) vào thành Nhà Hồ (Thanh Hoá).

Trong khoảng những năm 1398 – 1407, thành Nhà Hồ đóng vai trò là kinh đô của nước ta. Và, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, khu vực này được coi như một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo đánh giá của UNESCO: “Thành Nhà Hồ là một nhân chứng độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, khi mà các giá trị vương quyền và Phật giáo truyền thống nhường bước cho những khuynh hướng mới về kỹ thuật, thương mại và hành chính tập trung; là sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15”.

Thành nhà Hồ bao gồm 03 di tích thành phần (thành Nhà Hồ, La thành và đàn Nam Giao).

  1. Kiến trúc thành Nhà Hồ

Có bình đồ gần vuông, mặt chính quay hướng Đông Nam, với đường trục chính theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, lệch 450. Hai tường thành phía Nam và phía Bắc đều dài 877m; hai tường thành phía Đông và phía Tây đều dài 880m.Từ hiện trạng còn gần như nguyên vẹn của tòa thành và các kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong những năm gần đây, bước đầu có thể xác định, các thành phần kiến trúc cơ bản của thành gồm: tường thành, cửa thành, hào thành, dấu tích các hồ nước và kiến trúc bên trong.

Tường thành: gồm 2 lớp. Lớp ngoài được xây dựng bằng các phiến đá, được đẽo gọt thành khối vuông thành sắc cạnh, với kích thước trung bình là 2,2 x 1,5 x 1,2m. Lớp trong được xây dựng bằng đất, kết hợp với đá mồ côi và sỏi.

Các cửa thành: dạng cuốn vòm, đều được mở ở chính giữa tường thành, bao gồm cửa Nam, cửa Bắc, cửa Đông và cửa Tây. Trong đó, cửa Nam có kích thước lớn nhất, với ba vòm cửa, các cửa khác chỉ có một vòm cửa.

cổng thành nhà Hồ
cổng thành nhà Hồ

Hệ thống đường đi: trục đường chính của thành (phần ở khu vực cửa Nam): Phần đường bên trong thành được lát bằng đá xanh nguyên khối, lòng đường rộng 4,85m; lòng đường bên ngoài thành rộng 4,35m. Cũng liên quan tới cửa Nam và con đường cổ ở khu vực này, dấu tích của các khoảng sân lát đá đã được phát hiện cả ở bên trong và bên ngoài thành…

Hệ thống cung điện: theo ghi chép của sử sách, trong nội thành có nhiều công trình kiến trúc quan trọng, như điện Hoàng Nguyên (nơi Vua ngự triều), cung Nhân Thọ (nơi ở của Thượng hoàng), Đông cung (nơi ở của Thái tử), cung Phù Cực (nơi ở của Hoàng hậu), Đông Thái miếu (nơi thờ tổ tiên của họ Hồ), Tây Thái miếu (nơi thờ Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông), đàn Xã tắc… Các cung điện, lầu gác trong khu vực thành nội này đã bị phá hủy từ lâu

Rồng thành bậc: ở khoảng trung tâm của tòa thành hiện còn lại đôi rồng đá, được phát hiện vào năm 1938. Có lẽ, đây vốn là cặp rồng thành bậc của một kiến trúc khá quan trọng trong thành.

  1. Kiến trúc La thành

La thành là vòng thành ngoài, có chức năng bảo vệ toàn bộ các kiến trúc và cư dân bên trong kinh thành. La thành cách thành trong khoảng 1 – 3km, có chiều dài khoảng 10km, được xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, từ núi Đốn Sơn (thuộc xã Vĩnh Thành) đến núi Hắc Khuyển (thuộc xã Vĩnh Long) và các núi Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sỹ (thuộc xã Vĩnh Ninh), Kim Ngọ (thuộc xã Vĩnh Tiến), Kim Ngưu, Tượng Sơn (thuộc xã Vĩnh Quang), cùng hai con sông là sông Bưởi và sông Mã…

La thành
La thành
  1. Kiến trúc đàn Nam giao

Tháng 8 năm 1402, Hồ Hán Thương cho xây dựng đàn Nam giao trên dãy Đốn Sơn (núi Đún), xã Vĩnh Thành (hiện nay). Lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ được tổ chức cùng năm.

Hiện nay, khu vực này chỉ còn lại phế tích. Theo kết quả khai quật khảo cổ, đàn tế có bình đồ gần vuông, chiều Đông – Tây khoảng 120m, chiều Bắc – Nam khoảng 130m, tổng diện tích khoảng 1,5ha, với các cấp nền của đàn tế và các khu vực phụ cận có liên quan…

Kết quả khai quật khảo cổ cũng cho thấy, hiện đã phát lộ ít nhất 4 vòng tường đàn, trong đó 3 vòng đã phát lộ móng, với các đường kè đá bao xung quanh nền đàn trung tâm. Trong khu vực này còn phát hiện được một số vật liệu kiến trúc, vật trang trí kiến trúc, đồ đất nung, cùng nhiều hiện vật khác…

Đàn tế Nam Giao (phục dựng)
Đàn tế Nam Giao (phục dựng)

Ngoài ra, xung quanh khu vực thành Nhà Hồ còn một số di tích khác, là nơi sinh họat tín ngưỡng của nhân dân địa phương, còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị đặc sắc, tiêu biểu như: lễ hội đền Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thành), lễ hội đền Tam Tổng (xã Vĩnh Tiến)…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là di tích quốc gia đặc biệt.

 

Xem thêm những công trình kiến trúc mới lạ độc đáo tại website công ty Nhà Xinh